BÀI MỚI
Đang tải...

SRC: Dự án di dời nhà máy còn phải chờ quyết định của Bộ Công Thương

Sáng ngày 24/4/2017, Công ty Cổ phần Cao Su Sao Vàng (mã SRC - HoSE) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.

Không hoàn thành kế hoạch 2016

Ban lãnh đạo của SRC lên trình bày báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, với doanh thu tiêu thụ đạt 909 tỷ đồng, bằng 90,4% so với kế hoạch và giảm 5,2% so với thực hiện năm 2015. Lợi nhuận trước thuế của SRC là 82,8 tỷ đồng bằng 86,3% kế hoạch và giảm 13,4% so với năm trước.

Nguyên nhân của việc giảm lợi nhuận là do trong năm giá bán sản phẩm bình quân giảm 7% so với năm trước, tình hình tiêu thụ sản phẩm của công ty gặp nhiều khó khăn làm doanh thu bán hàng giảm so với năm 2015. Trong khi đó, từ Quý 3 và Quý 4 năm 2016, giá cao su thiên nhiên và một số nguyên vật liệu chủ yếu tăng mạnh đã làm tăng giá thành sản phẩm. Trong khi đó giá bán không tăng được do áp lực cạnh tranh trên thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận của công ty.

Mặc dù công ty đã có những giải pháp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát nội bộ, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nhưng do một số nguyên nhân khách quan không thuận lợi đã tác động đến lợi nhuận của công ty trong năm vừa qua.

Năm 2016, công tác chuẩn bị Dự án di dời và sản xuất lốp Radial của SRC đang thực hiện được là hơn 6,3 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra là 13 tỷ đồng.

Năm 2016, công ty trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 16%, trong đó, SRC đã chia cổ tức 10% vốn điều lệ bằng tiền mặt và dự kiến chia tỷ lệ 6% sau khi ĐHĐCĐ thông qua phương án này.

Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 12,3% dù thị trường dự báo còn nhiều khó khăn

Năm 2017, công ty đặt kế hoạch đạt 935 tỷ đồng doanh thu, tăng 2,8% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 93 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2016. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2017 là 15%/VĐL

SRC cho biết, dự báo năm 2017, giá nguyên vật liệu đầu vào đặc biệt là cao su thiên nhiên tăng rất mạnh từ những tháng cuối năm 2016 và dự báo 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục xu hướng tăng và duy trì ở mức giá cao (so với năm 2016 tăng 50%). Các loại nguyên vật liệu khác cũng tiếp tục xu hướng tăng giá. Chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán chưa thể tăng lên tương ứng.

Tiêu thụ sản phẩm chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt, đặc biệt là sự cạnh tranh về giá của các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài, lốp ô tô radial nhập khấu từ Trung Quôc, Thái Lan có giá rẻ, các hãng sản xuất trong nước liên tục giảm giá để cạnh tranh. Sản phẩm của Công ty có sức cạnh tranh yếu trên thị trường. Công ty chưa có sản phấm lốp Radial và sản phẩm mới để thay thế được sự suy giảm sản lượng lốp ô tô cỡ vành từ 20” trở lên.

Công ty đang triển khai công tác chuẩn bị cho dự án di dời đến địa điểm mới gây ảnh hường đên tâm lý của người lao động, việc tuyển dụng lao động tại Hà Nội gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty.

Phần hỏi đáp:

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề phần tiền Hoành Sơn chuyển cho SRC hơn 100 tỷ không thấy hạch toán? Hợp đồng 435 tỷ bao giờ được hạch toán?

Theo ban lãnh đạo của SRC, Hoành Sơn đã chuyển cho SRC 143 tỷ đây là số tiền Hoành Sơn đặt cọc. Công ty đã hạch toán khoản tiền này vào mục phải trả dài hạn khác do dự án chưa được thành phố phê duyệt. Nếu Công ty hạch toán vào thu nhập khác thì lúc đó có nghĩa là SRC đã di dời xong nhà máy và còn dư ra tiền, việc hạch toán này dự kiến từ 2019 trở đi.

Ban lãnh đạo SRC cho biết thêm, dự án di dời chưa được thực hiện so với kế hoạch đề ra trước đó do đây là một dự án lớn, phức tạp. Trong khi đó, phần xây dựng dự án lại thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương. SRC đang làm việc với Bộ để thông qua các thủ tục. Sau khi được bộ phê duyệt thì Công ty mới dùng đến khoản tiền mà Hoành Sơn chuyển cho SRC.

Công ty đã cố gắng đưa vấn đề này vào cuộc hợp ĐHĐCĐ năm nay nhưng do còn nhiều vướng mắc nên chưa thực hiện được. Phấn đấu HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ vào cuối quý II/2017 để phê duyệt dự án.

NDH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét